Văn hóa Giang_Tô

súp mì và tôm Đông Qua, một món ăn của ẩm thực Kinh Tôbài phường với các họa tiết của vận cẩm, loại lụa đặc sản của Nam Kinh

Thế kỷ XVII, triều đình Nhà Thanh đã tách tỉnh Giang Nam thành Giang Tô và An Huy, tuy nhiên danh xưng Giang Nam vẫn thường được nhắc đến sau đó. Hai phần phía bắc và phía nam của Giang Tô xưa kia không có nhiều kết nối với nhau như trong các thế kỷ gần đây. Theo truyền thống, Tô Nam được dùng để chỉ ba thành phố thịnh vượng hơn là Tô Châu, Vô Tích và Thường Châu; văn hóa Tô Nam thuộc vòng văn hóa Ngô cùng với Thượng Hải và Chiết Giang. Tại khu vực Giang Hoài thì các thành phố Hoài An, Dương Châu và Trấn Giang thuộc vòng văn hóa Giang Hoài (Đông), hay còn gọi là văn hóa Hoài Dương; Nam Kinh thuộc khu vực văn hóa Hoài Tây, hay văn hóa Ninh Lư. Khu vực Thái Châu cùng đại bộ phận Diêm Thành và Nam Thông là nơi nhiều nét văn hóa cùng tồn tại. Nam bộ Túc Thiên, khu vực đô thị và nam bộ của Liên Vân Cảng thuộc vùng văn hóa Hải Tứ, khu vực này nằm ở phía bắc Hoài Hà, phong tục vùng này là sự quá độ từ văn hóa Trung Nguyên sang văn hóa Giang Hoài. Từ Châu, khu vực đô thị của Túc Thiên và 2 huyện bắc bộ của Liên Vân Cảng thuộc khu vực văn hóa Trung Nguyên. Ngoài ra, từ năm 1998, đã có một cách phân loại mới được sử dụng thường xuyên, đó là vùng phía nam Trường Giang thì được gọi là Tô Nam, các thành phố Dương Châu, Nam Thông và Thái Châu được gọi là Tô Trung và các nơi còn lại của Giang Tô thì được gọi là Tô Bắc.

Giâng Tô là tỉnh giàu truyền thống văn hóa: Côn khúc, bắt nguồn từ Côn Sơn, là một trong các loại hình hí khúc nổi tiếng và có thanh thế nhất. Bình đàn (评弹), một hình thức kể chuyện kèm theo âm nhạc, cũng khá phổ biến ở Giang Tô: có thể phân loại loại hình ca kịch này dựa theo nguồn gốc: Bình đàn Tô Châu, Bình đàn Dương Châu và Bình đàn Nam Kinh. Tích kịch (锡剧), một loại hình hí kịch truyền thống Trung Quốc, khá thông dụng tại Vô Tích, trong khi Hoài kịch (淮剧) phổ biến ở các khu vực phía bắc, xung quanh Diêm Thành.

Ẩm thực Giang Tô là một trong tám trường phái lớn của ẩm thực Trung Quốc. Ẩm thực Giang Tô lại được chia tiếp thành các phong cách ẩm thực nhỏ hơn: ẩm thực Kim Lăng (hay ẩm thực Kinh Tô), trung tâm là Nam Kinh với đặc điểm là tinh tế cùng khẩu vị "bình hòa"; ẩm thực Hoài Dương tập trung tại Hoài An, Dương Châu và Trấn Giang với đặc điểm là chú trọng đến việc lựa chọn nguyên liệu và dao, khẩu vị "thanh đạm"; ẩm thực Tô Tích tập trung tại Tô Châu, Vô Tích cùng Thường Châu với đặc điểm là thường dùng bã rượu để điều vị, có thế mạnh về các loại thủy sản, khẩu vị "thiên điềm"; ẩm thực Từ Hải, tập trung ở Từ Châu và Liên Vân Cảng, có thế mạnh về hải sản và rau xanh, khẩu vị "giác trọng". Nhìn chung, các nguyên liệu điển hình trong món ăn Giang Tô là thủy sản tươi sống, trà, măng, nấm,..Ngoài ra, kỹ thuật gọt tỉa, trang trí thức ăn cũng đóng vai trò quan trọng. Ẩm thực Giang Tô nổi tiếng về các món hầm, ninh, tần.

Tô Châu nổi tiếng với tơ lụa, thêu nghệ thuật, trà hoa nhài, thạch kiều, đền miếu, và các viên lâm cổ. Nghi Hưng gần đó nổi tiếng với trà cụ (những đồ dùng trong việc thưởng trà), còn Dương Châu nổi tiếng với nghệ thuật sơn mài và đồ bằng ngọc. Vân cẩm (云锦) của Nam Kinh là một loại lụa dệt nổi tiếng.

Từ thời cổ, Tô Nam đã nổi tiếng với sự thịnh vượng và sang trọng, các địa danh ở Giang Nam như Tô Châu hay Dương Châu đã đi vào thi ca, kể cả trong tác phẩm của những thi nhân nổi tiếng, với vẻ thơ mộng. Sự nổi danh của Tô Châu cũng như Hàng Châu ở Chiết Giang đã khiến xuất hiện câu nói nổi tiếng "Thượng hữu thiên đường, hạ hữu Tô Hàng" (上有天堂, 下有蘇杭). Tương tự, sự thịnh vượng của Dương Châu đã khiến ra đời câu thơ: "Eo quấn mười vạn xâu (tiền), cưỡi hạc xuống Dương Châu" (腰纏十萬貫, 騎鶴下揚州, Yêu triền thập vạn quán, kị hạc hạ Dương Châu).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giang_Tô http://www.people.com.cn/GB/shenghuo/1090/2435218.... http://english.peopledaily.com.cn/data/province/ji... http://news.sina.com.cn/c/2009-09-29/081516377168s... http://www.chinayts.gov.cn/Default.aspx?tabID=175&... http://www.jiangsu.gov.cn/ http://www.jiangsu.gov.cn http://www.js.gov.cn/zgjszjjs/jsgl/zrdl/ http://www.jscd.gov.cn/art/2007/9/1/art_894_52293.... http://www.gov.cn/test/2012-04/09/content_2109245.... http://www.wxgyxy.uun.cn/news/info/info11225.html